Đánh giá nhanh hiệu năng Alienware Area 51M (i7-9700K và RTX 2080)

Với thiết kế dày (42mm) và nặng (hơn 3,8kg, chưa tính 2 cục sạc kèm theo cũng “xôi thịt” không kém), thế nên Dell dư sức trang bị cấu hình “khủng” trên con Area 51M này, khủng nhất là tùy chọn core i9-9900K có khả năng ép xung lên 5GHz (theo nhà sản xuất), cùng mẫu card RTX 2080 8GB mạnh mẽ.

Ở tùy chọn cấu hình thấp hơn tí xíu thôi, cụ thể là ở cỗ máy mình đang cầm, Area 51M sẽ mang trong mình chip core i7 - 9700k cũng cho hiệu năng mạnh không hề kém, với mức xung có thể lên tới 4.9GHz.

Các bạn có thể coi thêm bài trên tay nhanh của Gấu Mèo, đánh giá sơ về nội ngoại thất của Dell Alienware Area 51M tại ĐÂY. 

Chi tiết về cấu hình Dell Alienware Area 51M đang được bán tại laptop Gấu Mèo:

  • Chip: intel core i7-9700K (8 nhân - 8 luồng, 12MB Cache, mức xung 3.6GHz – 4.9GHz)
  • Ram: 16GB DDR4 2666MHz, Dual-channel
  • SSD: 2 ổ dung lượng mỗi ổ 256GB NVMe
  • Card rời: Nvidia GeForce RTX 2080 8GB GDDR6

Trải nghiệm thực tế của mình qua việc mở hơn 50 tab Google Chrome để lướt web, coi tin tức đọc báo, xem youtube, xem phim online FullHD, nghe nhạc, abc xyz,.….Area 51M này vẫn hoạt động mượt mà, các thao tác sử dụng nhanh, gần như không gặp hiện tượng giật lag.

Việc khởi động Windows trên cỗ máy này rất nhanh, rồi mình mở các phần mềm chuyên dụng để làm việc như Photoshop CC 2019, AutoCad 2019, Sketchup Pro 2019, Adobe Premiere Pro 2020,..cũng nhanh với 2 ổ SSD NVMe sẵn trong máy.

Không thiếu được việc thử nghiệm nhiều bài test hiệu năng benchmark CPU và GPU, test tốc độ đọc / ghi của ổ cứng trong máy,….

Với cấu hình có thể coi là khủng như giới thiệu trên, thì việc máy đạt được các điểm số cao qua các bài test là điều hiển nhiên, vì Dell Alienware Area 51M có thể coi như một chiếc máy tính để bàn, chúng ta hoàn toàn có thể thay thế gần như tất cả các linh kiện, tùy theo sở thích và nhu cầu sử dụng cá nhân: từ CPU, GPU, Ram, Pin, Ổ cứng, cho tới màn hình, card Wifi. 

Mình đã so sánh nhẹ nhẹ với Asus ROG Strix Scar III (G531GW - cấu hình i7-9750H, 32GB Ram, RTX 2070 8GB bản thường, 1TB HDD và 1TB SSD), và Lenovo Legion Y740 (cấu hình i7-8750H, 16GB Ram, SSD 256GB, HDD 1TB, Card RTX 2070 Max-Q 8GB).

3DMark - Fire Strike Ultra (điểm số của Scar 3: 4303, điểm số của Y740: 3883)

3DMark - Time Spy Extreme (điểm số của Scar 3: 3211, điểm số của Y740: 2913)

3DMark - Port Royal  (điểm số của Scar 3: 3939, điểm số của Y740: 3646)

Cinebench R20 (điểm số đa nhân của Scar 3: 2576, điểm số đa nhân của Y740: 2552)

Final Fantasy XV Windows Edition Benchmark (điểm số của Scar 3: 7566, điểm số của Y740: 6489)

PCMark 10 (điểm số của Scar 3: 6182, điểm số của Y740: 5971)

Unigine Superposition Benchmark (điểm số của Scar 3: 5904, điểm số của Y740:4811)

Chơi game

Về khả năng chơi game, thì Dell Alienware Area 51M không “ngán” bất kỳ tựa game hạng nặng nào ở thời điểm hiện tại, và mình nghĩ rằng cỗ máy này vẫn sẽ cân tốt các tựa game mới sau này cả 2-3 năm tới nữa, trừ việc phải nâng cấp thêm ổ cứng để chứa các tựa game ngày càng có dung lượng khủng hơn.

Area 51M được trang bị màn hình kích thước 17.3 inch, sử dụng tấm nền IPS của 1 hãng tới từ Đài Loan có tên là Chi Mei. Độ phân giải của màn hình là FullHD, tần số quét cao 144Hz cùng công nghệ chống xé hình G-Sync, 2 yếu tố giúp hạn chế tối đa tình trạng giật lag hay giảm khung hình khi chơi game, mang lại trải nghiệm rất tốt.

Đa số các tựa game hiện nay đều tự nhận cấu hình, ngoài việc chỉnh lên mức thiết lập đồ họa cao nhất trong các game chơi qua, thì mình vẫn đẩy 1 số tùy chỉnh khác lên để “hành hạ” thêm CPU và GPU: ví dụ như screen scale, hiệu ứng ánh sáng, bóng đổ, khử răng cưa,…Bên cạnh đó mình còn chỉnh Pin qua chế độ High Performance, và Thermal sang chế độ Performance (trong Alienware Command Center).

Dưới đây là mức FPS mà mình ghi nhận được trong quá trình chơi game:

Battlefield 5 (Ultra settings, có bật Ray Tracing và DLSS, màn Full HD, chế độ Thermal: Performance, Pin: High Performance)

Mức FPS trung bình: 65, cao nhất: 90

Shadow of the Tomb Raider (Highest settings, có bật Ray Tracing, màn Full HD, chế độ Thermal: Performance, Pin: High Performance)

Test qua Benchmark sẵn trong game (của Scar 3 mức FPS GPU min 61, max: 132, trung bình: 79 - của Y740 min: 45, max: 130, trung bình: 64)

Chơi game thực tế, mức FPS trung bình: 105, cao nhất: 205 (trong 1 số đoạn video ngắn cắt cảnh) - 135 (thực tế chơi) 

Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands (Ultra settings, màn Full HD, chế độ Thermal: Performance, Pin: High Performance)

Test qua Benchmark sẵn trong game (của Scar 3 mức FPS min 49, max: 62, trung bình: 55 - của Y740 min: 38, max: 50, trung bình: 44) 

Chơi game thực tế, mức FPS trung bình: 55 , cao nhất: 85

Tản nhiệt của Alienware Area 51M 

1 con laptop nhét bên trong chip i7-9700K, card đồ họa RTX 2080 8GB, lẽ dĩ nhiên sẽ có nhiều đắn đo, hoài nghi về khả năng tản nhiệt của hệ thống bên trong máy. Đầu tiên mời các bạn tham quan bên trong của Alienware Area 51M. 

Trên Area 51M có 2 quạt tản và 7 ống đồng, ngoài ra chúng ta có tổng cộng 4 khe tản nhiệt thổi hơi nóng ra ngoài (2 khe ở mặt sau, 2 khe ở 2 cạnh trái phải), và 2 vị trí hút gió vào (1 vị trí là các khe sọc nhỏ song song nhau ở ngay gần bản lề của máy, vị trí còn lại là các lỗ đan xen nhau như là tổ ong nằm ở dưới đáy máy).

Alienware Area 51M sử dụng con chip của máy bàn, thế nên mức TDP (Thermal Design Power) của máy cũng cao hơn so với những mẫu laptop thông thường khác. Lượng công suất điện cung cấp cho máy luôn ở mức cao: đa phần là trên 100W (thông thường của laptop là trong khoảng 30W - 45W), thế nên mức xung nhịp của máy cũng giữ ở mức cao (chưa ép xung, chỉnh Pin qua chế độ High Performance, thì xung đã luôn ở mức 4.3 - 4.6GHz).

Điều này dẫn tới là chỉ trong khoảng thời gian ngắn trải nghiệm sử dụng máy, nhất là chơi game thì nhiệt độ của CPU đã ở mức rất cao: 100 độ C. Mức nhiệt độ cao của CPU duy trì trong suốt quá trình mình chơi game, trong khi nhiệt độ của GPU thì khá mát mẻ, chỉ tầm 75 độ C. 

Máy được đặt trực tiếp lên mặt bàn gỗ, không kê thêm đế tản, hay quạt hút gió, sử dụng trong phòng quạt gió, nhiệt độ ngoài trời khoảng 30 độ C, chơi 3 game trong khoảng gần 2 tiếng, Thermal chế độ Performance trong Alienware Command Center. 

Còn qua các bài stress test thì thông thường mình hay test trong khoảng thời gian 20-30 phút, nhưng do thấy nhiệt độ của Area 51M ghi nhận qua phần mềm theo dõi ở mức rất cao, mình cảm thấy hơi "xót" máy thế nên chỉ stress test trong tầm hơn 5 phút. 

Aida64 sau 5 phút 

Nhiệt độ rất cao, thế nên xung nhịp bị giảm là điều hiển nhiên, nhưng thực tế mình cảm nhận thì xung vẫn ở mức cao. 

FurMark + Prime95 sau 5 phút

Nhiệt độ quá cao trên laptop luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người, thực tế chơi game trong thời gian tương đối dài trên Area 51M mình nhận thấy nhiệt độ không ảnh hưởng tới trải nghiệm: tiếng quạt khá êm, hơi nóng rất ít thổi về phía tay, khu kê tay mát mẻ, khu gần bản lề và khung màn hình thì nóng nhưng không quá mức, vẫn sờ tay lâu vào được. 

Tuy nhiên khi nhìn con số nhiệt độ hiển thị lên thì mình vẫn thấy hơi "nhói nhói" "xót xót" cho máy về lâu về dài, thế nên mình đã sử dụng phần mềm Throttlestop để Undervolt (hạ điện áp cung cấp cho CPU nhưng hiệu năng vẫn không giảm) cho máy. Và mình đã có 1 bài riêng về vấn đề, liệu sau khi Undervolt thì hiệu năng và nhiệt độ của Alienware Area 51M sẽ có gì thay đổi ? Tất cả sẽ có trong BÀI VIẾT NÀY

Tổng kết:

Sức mạnh của Alienware Area 51M là không thể phủ nhận: cấu hình khủng hiệu năng cao, có thể nâng cấp và thay thế gần như toàn bộ linh kiện, thiết kế đổi mới sang trọng hơn, cool ngầu hơn, bắt mắt hơn.

Nếu được lựa chọn 1 mẫu laptop thay thế máy tính bàn ở thời điểm hiện tại thì mình không ngại ngần quyết định ngay Alienware Area 51M, dù màn hình chỉ có FullHD, bàn phím không phải phím cơ, nhiệt độ máy sử dụng lâu dài nếu không undervolt thì rất cao. 

Alienware Area 51M (cấu hình i7-9700K, RTX 2080, màn 144Hz) đang được bán với mức giá 85.000.000vnd (tại laptop Gấu Mèo ngày 24/12/2019). 

Laptop Gấu Mèo / HảiArt666

Đăng ký nhận tin khuyến mại
Hiện chưa có ảnh nào trong album!
0

Thông báo

Thông báo
...