Trên bàn nhanh Asus ROG Strix Scar 3 (G531GW)
Cũng khá lâu rồi Gấu Mèo mới review laptop của Asus, và sản phẩm lần này mình đánh giá nhanh là 1 trong những mẫu laptop gaming cận cao cấp mới nhất năm 2019 của Asus thuộc dòng ROG: Asus ROG Strix Scar 3 (mã G531GW).
Cấu hình được nâng cấp phù hợp với xu hướng thị trường (chip intel thế hệ thứ 9, card đồ họa rời RTX,..), cùng những đặc điểm dành riêng những game thủ chuyên nghiệp lẫn bán chuyên thể loại game bắn súng FPS như: màn IPS chất lượng tốt, tần số quét rất cao 240Hz, các hiệu ứng Led RGB nền đẹp mắt…Thế nhưng Scar 3 không chỉ có thế, chiếc máy này vẫn phù hợp với nhiều đối tượng người dùng khác nhau với khả năng đáp ứng tốt các nhu cầu đa dạng.
Phiên bản Scar 3 (G531GW) mình sử dụng có cấu hình “ngon”, chúng ta sẽ có bao gồm:
- Chip xử lý: Intel Core i7-9750H (6 nhân 12 luồng), xung nhịp: 2.6 – 4.5GHz, bộ nhớ đệm 12MB
- Ram: 32GB (DDR4 - 2666 MHz)
- Card đồ họa: Nvidia GeForce RTX 2070 (8GB - GDDR6)
- HDD: 1TB SATA 3 tốc độ đọc 5400 vòng/phút
- SSD: 1TB NVMe PCIe
Với cấu hình trên các game thủ sẽ thoải mái chơi tốt hầu hết các tựa game hiện nay với mức FPS cao và ổn định, mà không cần quan tâm quá nhiều tới cấu hình yêu cầu.
Tuy thời gian mình test game không nhiều (do phải giao máy cho khách nữa !!), nhưng mình vẫn đủ thời gian ghi nhận các thông số FPS, cũng như nhiệt độ CPU và GPU trong máy. Các bạn hãy xem các hình ảnh bên dưới để phần nào cảm nhận được sức mạnh của Scar 3 trong việc chiến game, từ các game phổ thông cho tới các tựa game "hạng nặng" có thể coi là "sát" cấu hình.
Game Counter-strike:Global Offensive (Max settings)
Sức mạnh của chip intel thế hệ thứ 9 kết hợp với dòng card đồ họa mới RTX series, mang lại mức FPS rất cao trong tựa game Esport quen thuộc mình thường xuyên chơi. Chưa kể màn IPS chất lượng (công nghệ màn hình IGZO của Sharp) cùng tần số quét “ngất ngưởng” 240Hz tạo rất nhiều ưu thế cho mình trong các pha đọ súng, lia súng bắn tỉa,..Người ta thường nói “thành bại tại kỹ năng” nhưng có thêm công nghệ hỗ trợ thì % chiến thắng càng cao hơn phải không nào ?!
Các game còn lại thì mình sử dụng tính năng Benchmark có sẵn trong từng game, mình không bật V-Sync trong các game này, và màn hình của Scar 3 cũng không có G-Sync. Các tựa game mình thử nghiệm cũng khá đa dạng, không chỉ riêng bắn súng FPS, mà còn các game đi cảnh, hành động thế giới mở, chỉ có vài game ví dụ như Pikachu và xếp gạch thì chưa thử !!
Game Assassin’s Creed Odyssey (Ultra High settings, màn Full HD, quạt Turbo, pin High Performance)
Game Far Cry 5 (Ultra settings, màn Full HD, quạt Turbo, pin High Performance)
Game Shadow of the Tomb Raider (Highest settings, màn Full HD, quạt Turbo, pin High Performance)
Game Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands (Ultra settings, màn Full HD, quạt Turbo, pin High Performance)
Tương tự với những người sử dụng máy cho công việc, ví dụ như bản thân mình với chuyên môn Kiến trúc sư, thường sử dụng các phần mềm dựng hình 3D như Sketchup, 3Dsmax, hoặc Render qua V-Ray, Lumion,…sức mạnh của mẫu card RTX 2070 8GB của Nvidia với những công nghệ đồ họa như Ray Tracing và DLSS cũng hỗ trợ tốt cho công việc của mình.
Sau đây là một số kết quả đánh giá hiệu năng của máy qua các bài test benchmark, tốc độ ĐỌC / GHI của ổ đĩa, hiệu năng của CPU và GPU,…
Cinebench R20
Unigine Superposition Benchmark
Final Fantasy XV Windows Edition (High Quality - FullHD)
PCMark 10
3DMark Time Spy
3DMark Time Spy Extreme
3DMark Fire Strike Extreme
3DMark Fire Strike Ultra
3DMark Port Royal
V-Ray Benchmark
Được định hướng tới đối tượng game thủ, thế nên thiết kế vẻ ngoài cũng được Asus đầu tư nhiều. Với mẫu Scar 3 năm 2019 này, theo như thông tin thì Asus đã kết hợp cùng công ty thiết kế nổi tiếng là BWM Designwork để “vẽ” nên cái máy mà mình đang có ở đây. Một số hình ảnh sản phẩm bên dưới để các bạn xem thêm.
Sau khoảng vài phút cầm trên tay, đặt trên bàn, thì mình nhận thấy Scar 3 đã có 1 số thay đổi về vẻ ngoài, cũng như cách bố trí 1 số chi tiết trên máy:
- Có “cục u” lồi ra phía sau màn hình và bản lề, đó là 1 phần của hệ thống tản nhiệt
- Dải Led RGB chạy dọc xung quanh phần đáy máy
- Kiểu dáng và kết cấu của cụm bản lề thay đổi
- Viền dưới của màn hình cũng được khoét như thế hệ trước nhưng lệch qua 1 bên
- Bàn phím không còn cụm numpad, trên Scar 3 thì phần phím số được tích hợp chung với touchpad
- Một số vị trí phím đã thay đổi so với thế hệ trước, ví dụ như phím Home, Delete, PageUp, PageDown
- Có thêm 1 phím nóng chức năng ở phía trên khu vực bàn phím (là phím thay đổi tốc độ quạt), tổng cộng là 5 phím thay vì 4 phím.
- Các phím W A S D chuyên cho chơi game không còn được làm nổi bật so với các phím khác như trước
- Cạnh phải của Scar 3 còn được cách điệu bởi các đường gân vát nổi song song nhau
- Xuất hiện thêm cục “màu mè” bắt mắt mà Asus gọi tên là Keystone, hiểu đơn giản đây là 1 cái khóa giúp đồng bộ hóa, kiêm luôn mã hóa và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.
- Vị trí 1 số cổng kết nối ví dụ cổng HDMI, cổng USB type C 3.1 gen 2 tích hợp chung Display Port, cổng nguồn,…được bố trí ra cạnh sau Scar 3, chứ không còn ở 1 trong 2 bên hông của máy.
- Không còn khe thẻ nhớ SD hay microSD, và cổng type C không tích hợp Thunderbolt 3.
Hệ thống tản nhiệt
Theo thông tin từ nhà sản xuất thì Scar 3 có độ dày khoảng 25mm, không quá dày cũng không quá mỏng. Vẫn đủ chỗ để Asus bố trí 2 quạt tản có kích thước khá lớn, với công suất mỗi quạt là 12V, cùng với 6 ống đồng.
Mỗi quạt tản của Scar 3 sẽ có 83 cánh (nhiều hơn Scar 2 chỉ có 71 cánh), mỗi cánh có kiểu dáng mỏng hơn (mỏng 0.1mm), kết hợp với phần “cục u” có diện tích bề mặt lớn với vô số lỗ thoát nhiệt. Để thử nghiệm hiệu quả của hệ thống tản nhiệt thì mình đã test qua việc chơi game trong thời gian dài, và 1 số bài stress test cường độ cao.
Trong điều kiện phòng quạt, nhiệt độ ngoài trời là 34 độ C, đặt máy trên bàn gỗ và không kê thêm đế tản hay quạt hút, mình chơi game khoảng hơn 2 tiếng, chế độ quạt Turbo và pin chỉnh High Performance. Nhiệt độ trung bình mình ghi nhận qua phần mềm theo dõi là 85 - 95 độ C với CPU, còn với GPU thì mát mẻ hơn, trung bình là 80 - 85 độ C. Với mình thì mức nhiệt này là ổn, chấp nhận được với mức hiệu năng cao mà con Scar 3 này mang lại.
Thực tế máy vẫn rất nóng, nóng nhất là cụm tản nhiệt phía sau, nhưng hơi nóng không hề bốc về phía bàn tay của người sử dụng, các dãy phím bấm và khu vực kê tay vẫn mát mẻ thoải mái, điều này rõ ràng giúp trải nghiệm chơi game đã hơn, sướng hơn nhiều.
Có 1 số ý kiến cho rằng khe tản bên phải của máy sẽ thoát hơi nóng ra phần bàn tay thường dùng chuột rời chơi game của người dùng, nhưng trải nghiệm thực tế của mình thì hơi nóng thoát ra rất ít ảnh hưởng tới bàn tay, hoặc khó tính 1 chút thì cũng sẽ không thấy khó chịu nhiều !
Còn với các bài stress test thì mình thử 2 lần: lần 1 là 10 phút với sự kết hợp của Prime95 và FurMark (CPU burner và GPU Stress Test cùng bật), lần 2 là thử sức Scar 3 qua Aida64 trong 20 phút. Nhìn chung Scar 3 đã vượt qua tốt các bài kiểm tra này, riêng bài Aida64 thì xung nhịp CPU sau 5 – 10 phút thì giảm về mức cơ bản, nhưng 6 nhân đều đạt mức xung ổn định, mang tới trải nghiệm liền mạch, ít bị gián đoạn.
Prime95 + FurMark sau hơn 10 phút
Aida64 sau 20 phút
Kết luận
Ưu điểm:
- Thiết kế chung đã có thay đổi, vẫn đảm bảo độ cứng cáp, chắc chắn
- Cấu hình được nâng cấp, các công nghệ mới được đầu tư và cập nhật
- Sự xuất hiện của cục Keystone tăng tính bảo mật, cá nhân hóa
- Màn hình IPS chất lượng cùng tần số quét cao 240Hz
- Hiệu ứng Led RGB nổi bật hơn kể cả phần nền bàn phím và viền xung quanh đáy máy
- Một số cổng kết nối được bố trí gọn ra phía sau
Hạn chế:
- Sẽ có bạn không thích cụm tản nhiệt lồi ra phía sau, nhiều lỗ nhỏ li ti, tạo cảm giác dễ bám bụi và khó vệ sinh
- Bàn phím có thay đổi vị trí 1 số phím bấm chức năng, gõ chưa quen lắm
- Chế độ quạt Turbo: quạt mạnh nhất, nhưng nguồn cấp điện vào cũng tăng thế nên về mặt chỉ số nhiệt độ, chưa tạo được sự khác biệt nhiều (mát mẻ hơn, đỡ nóng hơn) so với các chế độ quạt khác.
- Phần nhiệt độ với 1 số bạn khó tính thì vẫn sẽ thấy nóng quá xá ! Cần đầu tư thêm đế tản nhiệt, quạt hút và sử dụng máy trong phòng lạnh.
Laptop Gấu Mèo / HảiArt666